Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Chuẩn bị cho chuyến đi Cần giờ

       Các bạn Lâm 4 và gia đình thân mến
             Theo ý kiến của nhiều bạn hôm 6/1/2013 về chuyến đi cần giờ.Muc đích là nhân chuyến xuôi về Nam ,vượt 1,800 Km để dự Lễ Kỷ niệm 30 năm ngày ra trường Lâm khoá 4 lần này, anh Đàm Thanh Minh có thêm một ít thời gian thăm thú vài nơi..Nhiều bạn bè muốn có thêm thời gian để chia xẻ tình cảm với anh Minh trong dịp này,nên vận động cho chuyến về Huyện đảo Cần Giờ,cách Saigon 70 Km,nơi có Khu sinh thái Rừng ngập mặn ven biển, bạn Cát Văn Thành hiện là Phó ban Quản lý Rừng ở đây.
              Thời gian của chuyến đi dự tính là ngày 12/01/2013,đi và về trong ngày.
             Bạn Thành Cát đã sớm chuẩn bị 2 phương án tham quan
1.Đi đến 2 địa điểm: Ban QL Rừng PH (Dần Xây) và Vàm Sát: 460.000 VND
2.Đi đến nhiều địa điểm: Ban QLRPH(Dần Xây),Đảo khỉ (Long Hoà) và Cần Thạnh (Trung tâm Huyện đảo):250,000 VND.
             Để các bạn chọn lựa và đăng ký.Đề nghị các bạn sớm biểu quyết và reply gấp và đăng ký số người tham dự.
Xin nhắc lại nếu quyết định đi Cần giờ các bạn cần tập trung sớm,trễ nhất là 6 giờ 30 sáng từ Saigon.Nếu các bạn muốn đi bằng xe riêng cũng rất dễ dàng theo đoàn.
             Trong chi phí Thành gởi trong các file đính kèm ,mình nghĩ chưa bao gồm tiền xe từ Saigon về Dần Xây.
 
              Để dự phòng trường hợp Nguyên không thường xuyên lên mạng được do có việc phải đi xa nhà,đề nghị các bạn gởi thông tin đăng ký cho tất cả đều biết,bằng cách reply all,như vậy dù không có mình các bạn trong Ban LL vẫn nắm được thông tin để cùng tổ chức tốt cho chuyến đi.
              Xin cảm ơn và chúc sức khoẻ tất cả các bạn và gia đình,chúc chuyến đi thành công tốt đẹp.

*Chi tiết 2 phương án xin kèm ở đây :

logo_BQL-ChuanBAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ CẦN GIỜ
Trung tâm truyền thông giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái
ĐT:08 38877579; 22188300; Fax:08 38894157
     Website: http://cangiomangrove.org.vn
                                                                       Cần Giờ, ngày 07 tháng 01 năm 2013

CHƯƠNG TRÌNH THAM QUAN TẠI CẦN GIỜ

Ngay 12/01/2012
STT
THỜI GIAN
NỘI DUNG
1
08 giờ 30
- Đón đoàn tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.
- Tham quan tiêu bản động thực vật và một số mô hình sản xuất phụ dưới tán rừng
- Nghe thuyết trinh về quá trình hình thành và khôi phục rừng ngập mặn Cần giờ, vai trò của rừng đối với đời sống con người.
2
09 giờ 30
- Tham gia chèo kayak thử tìm cảm giác phiêu lưu mạo hiểm trên sông Dần Xây.
3
11 giờ 30
- Dùng cơm trưa tại Vàm Sát
4
13 giờ 30
- Xuống tàu di chuyển đến khu du lịch Vàm Sát đến điểm câu cua giải trí,  tham quan Đầm Dơi.
5
14 giờ 00
- Câu cá Sấu tìm cảm giác mạnh, tìm hiểu quy trình ấp nở của cá Sấu.
- Chinh phục tháp Tang Bồng.
6
16 giờ 00
- Kết thúc chương trình, chia tay đoàn và hẹn gặp lại.
Nội dung chương trình:

          
Giá trọn gói:  460.000 đồng/ người ( Bốn trăm sáu mươi nghìn đồng)
        Định mức thực hiện các hoạt động bao gồm: 
- Thuyết trình
        - Hướng dẫn suốt tuyến
        - Vé khu du lịch Vàm Sát
        - Tàu du lịch
        - Cơm trưa: 120.000 đ - 130.000 đ/suất ăn (Có thể kêu thêm mồi nhậu-tính thêm), chưa tính đồ uống.
        - Nưới suối: (trên đường tham quan).
        - Kayak
        - Canô cứu hộ 

logo_BQL-ChuanBAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ CẦN GIỜ
Trung tâm truyền thông giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái
ĐT:08 38877579; 22188300; Fax:08 38894157
     Website: http://cangiomangrove.org.vn
                                                                       Cần Giờ, ngày 07 tháng 01 năm 2013

CHƯƠNG TRÌNH THAM QUAN TẠI CẦN GIỜ

Ngày đi: 12/01/2012
STT
THỜI GIAN
NỘI DUNG
1
08 giờ 30
- Đón đoàn tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.
-Tham quan tiêu bản động thực vật và một số mô hình sản xuất phụ dưới tán rừng.
-Nghe thuyết trinh về quá trình hình thành và khôi phục rừng ngập mặn Cần giờ, vai trò của rừng đối với đời sống con người.
2
09 giờ 30
-Đến Đảo Khỉ tham quan bảo tàng Cần Giờ.
-Tìm hiểu đời sống bầy đàn của khỉ đuôi dài, tham quan một số loài động vật khác như cá sấu, trăn, rái cá...
-Đi ca nô cao tốc tìm cảm giác mạnh để đến với khu căn cứ Rừng Sát và nghe kể về những trận đánh hào hùng của bộ đội đặc công.
3
11 giờ 30
-Di chuyển đến nhà hàng Nhạn Trắng,dùng cơm trưa và nghỉ ngơi tại chỗ.
4
13 giờ 30
-Đến thăm lăng Ông thuỷ tướng tìm hiểu phong tục thờ cúng cá Ông và tham quan bộ xương cá ông mà người dân địa phương đang thờ cúng.
5
14 giờ 00
- Di chuyển đến bãi biển 30/4 tham quan bãi biển, mua hải sản và mua hàng lưu niệm
6
15 giờ 30
- Kết thúc chương trình, Chia tay đoàn và hẹn gặp lại.
Nội dung chương trình:

Giá trọn gói:  250.000 đồng/ người ( Hai trăm năm mươi nghìn đồng)( chưa bao gồm thuế)

        Các dịch vụ bao gồm: 

        - Thuyết trình

        - Hướng dẫn suốt tuyến

        - Vé đảo khỉ

        - Canô căn cứ

        - Cơm trưa: 120.000 đ - 130.000 đ/suất ăn (Có thể kêu thêm mồi nhậu-tính thêm), chưa tính đồ uống.

        - Nước suối (trên đường tham quan

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Bài tri ân Thầy cô nhân kỹ niệm 30 năm ngày tốt nghiệp Lâm K4


Kính thưa quý Thầy cô, các anh chị trong ban đại diên liên khóa  cùng toàn thể các bạn Lâm K4

Sau 30 năm rời ghế nhà  trường để hòa vào xã hội , vất vả với mưu sinh trong cuộc sống hàng ngày.Hôm nay chúng ta  hội tụ về đây cùng với sự hiện diện  quý báu của quý Thầy cô để ôn lại những kỷ niệm khó quên của  thời sinh viên, đây cũng là dịp để chúng ta tỏ lòng tri ân với Thầy cô đã dạy dỗ chúng ta nên người.
Được sự phân công của BLL thay mặt các bạn  nói lên lời tri ân đối với Thầy cô ,tôi cảm thấy thật sự xúc động ,xen lẫn với lo âu . Bởi lẽ, những lời tri ân được viết ra  đây, thật sự quá nhỏ bé so với những gì Thầy cô đã dạy chúng ta suốt  4 năm học . Tin tưởng rằng mỗi bạn ngồi đây , trong mỗi nhịp đập của  trái tim, đều nghĩ về Thầy cô, đó mới thật sự là những cung bậc tình cảm trung thực nhất của chúng ta dành cho Thầy cô .

Trở  lại trường xưa sau 30 năm xa cách , không còn khu nội trú , không còn giảng đường, phòng thí nghiệm, chỉ còn hàng me già rợp bóng , đong đưa theo gió như đón chào người trở lại .
Với chúng ta ,chỉ cần dấu tích nhỏ nhoi  này của kỹ niệm  cũng đủ thổi bùng lên những ký ức  của thời xa xưa.

Nhà thơ Chế lan Viên đã từng viết :Khi ta ở chỉ là nơi đất ở , khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn .Nghiệm lại, đời người là gì nếu chẳng phải là sự kế tiếp tuần hoàn của đi.Chúng ta không thể hình dung được đầy đủ về cuộc đời mình, nếu thiếu đi những năm tháng sống và học tập ở ngôi trường này. Những kỷ niệm với mảnh đất này là một phần của cuộc đời của chúng ta, là hành trang tinh thần không thể thiếu  của mỗi bạn bè ngồi đây và cả những bạn bè vì lý do nào đó không thể tham dự trong buổi họp mặt hôm nay.
Để có ngày tốt nghiệp đại học , tôi và các bạn đã trãi qua  thời gian hơn 4 năm đèn sách ở bậc đại học và 12 năm ở bậc trung học .Trong khoảng thời gian đó, bao Thầy cô đã miệt mài ươm mầm tri thức cho chúng ta .Từ cây mầm ngày nào ,nay đã là những cây trưởng thành , đủ sức chống chọi với phong ba , bão táp của cuộc đời để tồn tại trong những  môi trường đầy khắc nghiệt.
Nghĩa tình đối với Thầy cô luôn trĩu nặng  trong suốt quãng đời đi học của chúng ta ,nhưng ấn tượng và sâu đâm nhất là khoảng thời gian được học  dưới mái trường đại học Nông lâm.  Chính nơi đây, nhân cách chúng ta được khẳng định và hoàn thiện dần ,cũng từ  nơi này , Thầy cô đã giúp chúng ta có đủ hành trang để bước vào đời , từ nơi đây,  chúng ta được Thầy cô trang bị  cho  cả về kiến thức khoa học  lẫn phong cách sống .
Nhớ lại những ngày đầu bở ngỡ của những tân sinh viên chân ướt chân ráo từ mọi miền đất nước vượt vũ môn hội tụ về đây .Nhớ những bước chân rụt rè khi lần đầu bước vào ngưỡng cửa giảng đường đại học .Chính lúc đó,  Thầy cô đã có những lời động viên thiết thực , phát họa  vẽ đẹp về rừng , về sự hấp dẫn của nghề nghiệp trong tương lai .Lời động viên đó đã nhanh chóng xua tan sự bỡ ngỡ ban đầu của các tân sinh viên. Hình tượng người Thầy nghiêm khắc nhưng đôi mắt đầy bao dung đã tạo ấn tượng tốt cho chúng ta mãi đến hôm nay.
Trãi qua  4 năm học, cũng là lúc  xã hội bao trùm muôn vàn khó khăn trên mọi mặt . Chuyện cơm ,áo ,gạo tiền hàng ngày tác động vào cuộc sống của mỗi người , mỗi nhà . Thầy cô cũng không ngoại lệ , cũng chịu chung những khó khăn chật vật của cuộc sống .Thay vì dành thì giờ cho nghiên cứu  ,cập nhật  những kiến thức mới mẽ của khoa học thế giới , thầy cô phải cặm cụi  cho việc nuôi  heo , gà , trồng rau và làm những việc vặt khác để tự đáp ứng nhu cầu cho đời sống  hàng ngày. Thế nhưng ,trong mỗi bài giảng của Thầy cô lúc đó, chúng ta không thấy sự bon chen , xô bồ , những toan tính vụ lợi của cuộc sống mà chỉ thấy thuần túy  những vấn đề khoa học, liên quan mật thiết đến công việc của người kỹ sư lâm nghiệp tương lai .Nếu không có cái tâm trong sáng, không có tình yêu nghề mãnh liệt , không hết lòng vì thế hệ tương lai  của đất nước khó ai có thể làm được trong điều kiện như thế .
Mỗi Thầy cô mang một phong cách truyền đạt  khác nhau nhưng là những phong cách đầy tâm huyết.Chính sự đa dạng về phong cách giảng dạy của thầy cô đã từng ngày , từng giờ thấm sâu vào trong  suy nghĩ của mỗi chúng ta , làm thay đổi nhận thức , phong cách sống của chúng ta. Không chỉ tiếp thu những kiến thức trong từng bài giảng , chúng ta còn học được cả phong cách đạo đức của Thầy cô trong cuộc sống.
Sự quan tâm hết lòng của Thầy cô đối với chúng ta còn thể hiện qua những đợt thực tập dã ngoại:
Thầy trò cùng phơi nắng chang chang trong những ngày thực tập đất rừng ở Vĩnh Cửu để đào đất ,phân tích thổ nhưỡng của khu vực rùng trồng keo lá tràm rộng bao la. Thầy trò cùng băng rừng lội suối để tìm cho được càng nhiều càng tốt những loài cây trong giáo trình của đợt thực tập  thực vật rừng ở  La Ngà. Thầy trò cùng ra quân trong sáng tinh sương , lỉnh kỉnh với máy móc đo đạc ,giữa cái giá lạnh của núi rừng Bảo lộc  , xuyên rừng tìm “yên ngựa” ở núi rừng B’lá  trong lần thực tập điều tra quy hoạch rừng .
Trong những lần thực tập đó ,các Thầy  đã sống với học trò trong điều kiện vô cùng gian khổ . Không có sự phân biệt khẩu phần ăn giữa thầy trò , không có nơi  nghĩ ngơi khác biệt dành cho thầy . Cái nóng cháy da của những ngày ở Vĩnh cửu hay cái lạnh thấu xương của núi rừng bảo lộc vào đông cũng chia đều cho thầy trò. Trong những điều kiện khó khăn đó , phong cách  giảng dạy của Thầy vẫn không đổi :  Để học trò tự tìm hiểu trước các vấn đề phát sinh trong học tập ,tự so sánh những khác biệt trong lý thuyết và thực tiển . Sau cùng thầy  mới hệ thống hóa lại những vấn đề cần lưu ý .Thầy luôn có mặt ngoài thực địa cùng học trò để   miệt mài giải thích những điều hoc trò chưa hiểu , tham gia hướng dẫn từng chi tiết khi học trò khó khăn trong lúc làm nội nghiệp.Tất cả sự hy sinh  to lớn đó đủ để khẳng định rằng cách dạy để học trò biết tư duy , biết xử lý các vấn đề phát sinh là cốt lỏi của mọi vấn đề .
Chính phong cách giảng dạy  từ giảng đường đến thực địa như thế ,Thầy cô đã rèn cho chúng ta  có được bản lĩnh tự tin  ,vượt qua những kỳ thi bằng chính sức học của  mình chứ không bằng cách nào khác  . Khi rời ghế nhà trường , chúng ta cũng tự tin đối mặt và vượt qua  những bài thi vô cùng hóc búa của cuộc đời dành cho ta. Thiết nghĩ không có lời nào diễn đạt được đầy đủ phong cách giảng dạy của Thầy cô bằng câu nói của một nhà văn Nhật khi nói về phương pháp giáo dục: Con người là ngọn đèn cần được thắp sáng, chứ không phải là những cái bình nước cần được đổ đầy"
Thành quả công việc của thầy cô là vô hình, trừu tượng nhưng  không giá  trị vật chất nào sánh bằng, bởi đó  chính là sự trưởng thành, lớn khôn về học vấn, về kiến thức và nhân cách, phẩm chất của người trò.
sau 30 năm ,chúng ta đã thực sự trưởng thành, già dặn hơn, đã là những người trụ cột của gia đình, của cơ quan. Mỗi bạn có mặt ở đây là những cuộc đời với những thăng trầm khác nhau, thành đạt khác nhau. Nhưng chúng ta đều giống nhau ở chỗ: luôn luôn lúc nào cũng nghĩ mình là những học trò nhỏ bé ngày nào của thầy cô , mang trong tâm tưởng lòng biết ơn mãi mãi với những gì thầy cô đã truyền đạt.Vì thế ,dẫu có đi hết chiều dài của cuộc sống, chúng ta vẫn chưa đi hết lời thầy cô chỉ dạy; dẫu có bước lên muôn đỉnh vinh quang ,chúng ta vẫn nhớ rằng, người nâng bước cho ta trên từng bậc thang là đôi tay không bao giờ mệt mỏi của  thầy cô.
Sinh ra trong cuộc đời, không ai  biết được tương lai của đời mình, nhưng mỗi chúng ta nhận thức được rằng: tri thức chính là hạt giống mà thầy cô ươm mầm trong tim mỗi học trò. Tri thức đó chính là ánh sáng, là dưỡng chất, là khí trời nuôi dưỡng những cây non học trò chúng ta khôn lớn.Cây có đơm hoa kết quả hay không ,chính là sự vun đắp của chúng ta dưới sự chỉ dạy của thầy cô.
 Thật sự là chúng ta có thể không bao giờ tri ân thầy cô một cách đầy đủ và đúng nghĩa. Bởi lẽ sự tri ân mà những thầy cô xứng đáng  có được  thường vượt  quá những lời nói đơn thuần. Vì thế sự tri ân cao quý nhất không phải chỉ  thốt ra  bằng lời, mà chính  là phải sống theo những lời tri ân ấy.Tri ân thầy cô không phải chỉ trong một ngày mà còn trong mỗi ngày của cuộc đời  chúng ta.
 Lời cuối ,xin gửi đến Thầy cô –  những người đưa đò thầm lặng - lòng biết ơn của chúng em, cho những tri thức mà người đã vun đắp, cho những niềm hạnh phúc khi trông thấy chúng em thành đạt, cho tất cả những thứ mà người dành cho chúng em.
Xin chúc toàn thể quý Thầy cô sức khõe , hạnh phúc  .Mong quý thầy cô hãy tin tưởng ở chúng em,  lớp học trò xứng đáng với những gì thầy cô từng dạy bảo.
Chúc tất cả các anh chị , các bạn sức khõe , thành đạt trong cuộc sống và luôn giữ mãi những kỹ niệm đẹp  trong những năm, tháng  là sinh viên dưới mái trường đại học Nông lâm.

Tp.Hồ chí Minh ngày 06 tháng 01 năm 2013
TM.Ban Liên lạc Lâm khóa 4
Trần văn Trạng

Lam 4s Album

Lam 4s Album
Đám cưới đầu tiên của khoá

Người theo dõi